Vải Raw silk (đũi) vs Vải Linen (lanh)
- 24/08/2021
- 0 Comment(s)
Người Việt hay gọi các dòng vải có vẻ ngoài thô mộc là lanh, đũi. Nhưng chúng thực sự rất khác nhau. Vải Đũi có nguồn gốc từ động vật. Còn vải Lanh lại được làm từ thực vật. Đặc tính và bề mặt vải cũng có sự khác biệt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu cách phân biệt vải Đũi và vải Lanh (Linen) nhé!
VỀ NGUỒN GỐC VÀ CÔNG ĐOẠN XỬ LÝ CƠ BẢN
Lanh (Linen):
Linen có nguồn gốc từ sợi thực vật. Chính xác là xơ sợi của cây Flax – cây lanh. Đây là loại cây được trồng chủ yếu ở vùng ôn đới, nơi có khí hậu mát mẻ. Để làm ra sợi Linen, người ta sẽ phải làm qua các công đoạn xử lý:
Tách hạt ra khỏi cây: Sau khi để cây Flax khô tự nhiên trên ruộng và hạt Flax đã chín đều. Người ta tiến hành tách quả/hạt ra khỏi cây bằng một dụng cụ giống như chiếc lược.
Ngâm, rút sợi: Rút sợi là một quá trình, sử dụng tác động của vi sinh vật và độ ẩm trên thực vật. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tách sợi khỏi thân cây. Người ta ngâm cây Flax trong nước khoảng 5 ngày rồi vớt lên.
Dập sợi: Sau khi với Flax lên rồi để ráo, người ta dập sợi bằng một chiếc kẹp gỗ để bẻ gãy cấu trúc thân cây. Thao tác này sẽ loại bỏ “shives” – phần vỏ thừa từ thân cây flax.
Nạng sợi: Sau khi dập thân cây, các vụn gỗ vẫn còn sót lại ở sợi. Người ta phải dùng một chiếc “dao cạo” bằng gỗ, đập và cà cho đến khi hết vụn gỗ. Lúc đó ta sẽ được một bó sợi cây Flax sạch nhất
Chuốt sợi: Người ta dùng một chiếc bàn chải sắt và đưa bó sợi thô kéo qua. Bàn chải sẽ giữ lại những sợi ngắn và yếu. Những sợi dẻo dai và dài là thành phần còn lại sẽ được đem đi se sợi.
Về cơ bản các quy trình còn lại như quay sợi, dệt vải, nhộm vải Linen giống với các dòng vải gốc tự nhiên truyền thống khác, trong đó có lụa, đũi.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công đoạn xử lý sợi Flax thành vải Linen đã có nhiều cải tiến. Song các bước xử lý cơ bản vẫn đượt áp dụng. Có chăng là sử dụng máy móc hỗ trợ để cho năng suất và sợi vải được xử lý tinh, kỹ. Cũng như phối hợp để cho ra nhiều bề mặt vải Linen khác nhau mà thôi.
Đũi (Raw Silk)
Vải đũi có nguồn gốc từ động vật, cụ thể là con tằm dâu. Những sợi tơ tằm thô chưa đủ mảnh để làm tơ tằm sẽ bị loại bỏ. Các “phế liệu” này chính là nguyên liệu chính làm nên vải đũi. Để làm ra vải đũi, người ta phải trải qua các công đoạn sau:
Nấu kén tằm: Kén tằm được ngâm kỹ trong nước 3 tiếng, sau đó được nấu kỹ để sợi kén mềm ra.
Kéo sợi: Đây là giai đoạn quan trọng, cũng là bước để phân loại sợi đũi và sợi tơ. Những mảnh tơ, nhỏ tinh sẽ được lựa chọn để kết cấu nên sợi tơ dệt lụa. Những sợi kén có thích thước to hơn, thô hơn sẽ được lọc ra để làm vải đũi. Thực tế cho thấy, chỉ 40% sợi kén được sử dụng để làm tơ lụa, 60% còn lại sẽ được sử dụng để làm vải đũi. Thao tác phân loại và kéo sợi này sẽ được thực hiện trong một chậu nước. Công đoạn này gọi là kéo cũi. Và cũng là công đoạn quan trọng nhất trong quy trình sản xuất vải đũi.
Phơi đũi: Sau khi kéo xong sợi đũi được kéo guồng thành từng con sợi (sợi dài) và đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. Mỗi con sợi sẽ có cân nặng khoảng 100gr.
Công đoạn dệt vải: Vẫn tuân theo các công đoạn cơ bản dệt sợi thành vải, nhuộm truyền thống.
ĐẶC TÍNH CỦA VẢI LINEN VÀ VẢI ĐŨI
Vải Linen:
Đặc tính tiêu biểu nhất của vải Lanh (Linen) chính là ở độ ganh và thô mộc của bề mặt vải. Vải không có giãn vì có nó gốc là thực vật. Nó chỉ co lại tương đối nhiều sau lần ngâm giặt đầu tiên và sau đó sẽ định hình kết cấu vải.
Đặc điểm của cây Flax chính là những lỗ rỗng trong thân cây. Điều này đã làm nên thương hiệu “Loại vải biết thở” của Linen. Bởi lẽ, nhờ những lỗ siêu nhỏ này mà vải Linen luôn thoáng khí. Mồ hôi trong người sẽ được nhanh chóng làm khô và thoát mùi ra ngoài. Vì vậy, vải Linen là lựa chọn hàng đầu của những người có vấn đề về mồ hôi. Tính khử khuẩn và thoáng đáng của chúng giúp cho quần áo của họ không có mùi khó chịu sau khi mặc.
Vải Đũi:
Dù không sở hữu tính thoáng khí và kháng khuẩn như vải Linen, song vải Đũi vẫn có rất nhiều ưu điểm. Đây là loại vải xốp, nhẹ, mát và có khả năng hút ẩm rất tốt. Vải có nguồn gốc động vật, nên vẫn có độ co giãn nhẹ, tạo sự linh hoạt cho người mặc. Vải có trọng lượng nhẹ, dễ phơi khô. Đây cũng là loại vải mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái không bám dính gây khó chịu khi mặc.
SỰ GIỐNG NHAU CỦA HAI DÒNG VẢI
Cả vải Đũi và vải Linen đều có nguồn gốc từ tự nhiên nên đều rất lành cho da. Những người có làn da nhạy cảm nên chọn hai dòng vải này để may các trang phục của mình. Ngoài ra, chúng đều sở hữu “nếp nhăn đặc trưng” của những dòng vải tự nhiên.
Một lưu ý nhỏ: Nếu bạn mặc một trang phục được làm từ vải đũi mà không bị nhăn. Chắc chắn đó là loại vải đã được pha thêm sợi nilon hay sợi tổng hợp. Dù chúng không khiến bề mặt vải có thay đổi gì lớn. Nhưng chúng sẽ làm mất đi cảm thụ dễ chịu của chất liệu này, mà thay vào đó là cảm giác nóng, bí da cho bạn.